Phông tài liệu Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Bình giai đoạn từ năm 1946 đến năm 2007 là một trong những phông tài liệu lưu trữ quan trọng, hiện đang được bảo quản tại Kho lưu trữ lịch sử thuộc Chi cục Văn thư-Lưu trữ, Sở Nội vụ Thái Bình
Tài liệu lưu trữ là tài sản vô giá có giá trị trên tất cả các lĩnh vực về chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội, an ninh - quốc phòng. Bảo vệ và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ là nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, địa phương và mỗi cá nhân, nhằm bảo vệ và phát huy tối đa những giá trị của tài liệu lưu trữ nhằm thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật về lưu trữ và mục tiêu “Bảo vệ và phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ” đề ra trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội X của Đảng, ngày 02 tháng 3 năm 2007.
Phông tài liệu Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Bình giai đoạn từ năm 1946 đến năm 2007 là một trong những phông tài liệu lưu trữ quan trọng, hiện đang được bảo quản tại Kho lưu trữ lịch sử thuộc Chi cục Văn thư-Lưu trữ, Sở Nội vụ Thái Bình với trên 158 mét giá tài liệu, được hình thành trong quá trình hoạt động của Uỷ ban Kháng chiến, Uỷ ban Hành chính và nay là Uỷ ban nhân dân tỉnh qua các thời kỳ lịch sử. Đây là những hồ sơ, tài liệu có giá trị đặc biệt quan trọng được hình thành trong quá trình hoạt động của Uỷ ban nhân dân tỉnh trên các mặt hoạt động như: Tổng hợp, Nội chính, Nông nghiệp, Công nghiệp - Xây dựng cơ bản, Tài chính - Kế hoạch, Văn hoá – Xã hội, Ngoại vụ.
Phông tài liệu này chứa đựng nhiều thông tin quan trọng, phong phú, đa dạng, có giá trị và ý nghĩa lịch sử to lớn về mặt chính trị, kinh tế, văn hoá- xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh Thái Bình qua các thời kỳ, có nhiều tài liệu có giá trị đặc biệt quan trọng được bảo quản vĩnh viễn như: Nghị định của Toàn quyền Đông Dương về thành lập tỉnh Thái Bình năm 1890; những bài phát biểu của Lãnh đạo UBND tỉnh qua các thời kỳ; báo cáo tình hình kinh tế, xã hội của tỉnh...
Thành phần tài liệu trong Phông được phân chia, sắp xếp khoa học thành từng mặt hoạt động, trong những mặt hoạt động đó bao gồm những nhóm tài liệu chủ yếu như:
1. Các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan Trung ương gửi đến liên quan trực tiếp đến tình hình chính trị, kinh tế, văn hoá- xã hội, an ninh- quốc phòng ở địa phương.
2. Tập lưu các loại văn bản do UBND tỉnh ban hành như: Chỉ thị, Quyết định Quy phạm pháp luật, Quyết định cá biệt, Báo cáo, Thông báo,....
3. Tài liệu về thành lập, sáp nhập, giải thể cơ quan, đơn vị trong tỉnh.
4. Tài liệu về bổ nhiệm, điều động, nâng lương đối với cán bộ, công chức.
5. Tài liệu về giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất của cơ quan, đơn vị, cá nhân trong tỉnh.
6. Tài liệu về giao chỉ tiêu ngân sách nhà nước hàng năm cho các cơ quan, đơn vị trong tỉnh.
7. Tài liệu về quản lý các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh.
8. Tài liệu về phê duyệt thiết kế dự toán và quyết toán vốn dự án đầu tư các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh.
9. Tài liệu về cấp giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư cho các Công ty.
10. Tài liệu về hoạt động của ngành giáo dục, y tế, văn hoá- xã hội.
11. Tài liệu theo dõi về đoàn ra, đoàn vào và các dự án đầu tư tại địa phương....
Khối tài liệu trên được bảo quản tại Kho lưu trữ lịch sử tỉnh, được chỉnh lý khoa học và hệ thống hoá với các phương tiện tra tìm như Mục lục hồ sơ, tra tìm trên máy vi tính, sổ quản lý công văn đi, đến đảm bảo nhanh chóng, kịp thời, chính xác phục vụ các tổ chức và cá nhân đến khai thác.
Chi cục Văn thư-Lưu trữ giới thiệu phông tài liệu này nhằm phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ đến các cơ quan, tổ chức và cá nhân có nhu cầu đến khai thác phục vụ các hoạt động của cơ quan, tổ chức cũng như cá nhân đến nghiên cứu khoa học, lịch sử và các nhu cầu chính đáng khác./.