Bản chính “Số 152.Nghị định về việc thành lập tỉnh mới lấy tên là Thái Bình năm 1890” hiện đang được bảo quản tại Kho Lưu trữ lịch sử, Chi cục Văn thư – Lưu trữ tỉnh Thái Bình, phông Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thái Bình, mục lục số 1, hồ sơ số 1.
Ngày 21-3-1890, toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập tỉnh Thái Bình bao gồm các huyện : Thanh Quan, Thuỵ Anh, Ðông Quan, Trực Ðịnh (trước là Chân Ðịnh), Thư Trì, Vũ Tiên, Tiền Hải, Phụ Dực, Quỳnh Côi (thuộc tỉnh Nam Ðịnh) và huyện Thần Khê (thuộc tỉnh Hưng Yên). Ðây là ngày chính thức đánh dấu Thái Bình trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Nhà nước Trung ương.
Năm 1894, toàn quyền Đông Dương Jean-Marie de Lanessan ra quyết định quy hoạch thành lập thị xã Thái Bình và ra nghị định cắt hai huyện Hưng Nhân và Duyên Hà thuộc phủ Tiên Hưng, tỉnh Hưng Yên sáp nhập vào tỉnh Thái Bình; lấy sông Luộc làm ranh giới giữa hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình. Như vậy lúc mới thành lập, tỉnh Thái Bình gồm có 3 phủ Kiến Xương, Thái Ninh, Tiên Hưng với tổng cộng là 12 huyện Đông Quan, Duyên Hà, Hưng Nhân, Trực Định, Phụ Dực, Quỳnh Côi, Thanh Quan, Thư Trì, Thụy Anh, Tiền Hải, Thần Khê, Vũ Tiên. Ðến lúc này tỉnh Thái Bình với tư cách là một tỉnh - đơn vị hành chính độc lập - bao gồm 3 phủ với 12 huyện, 90 tổng, 802 làng, xã với số dân 161.927 người, số ruộng đất là 365.287 mẫu.
- Phủ Tiên Hưng gồm 3 huyện: Thần Khê, Hưng Nhân, Duyên Hà.
- Phủ Thái Ninh gồm 3 huyện: Thanh Quan, Thuỵ Anh, Ðông Quan.
- Phủ Kiến Xương gồm 4 huyện: Trực Ðịnh, Thư Trì, Vũ Tiên và Tiền Hải.
- Phân Phủ Thái Ninh gồm 2 huyện: Quỳnh Côi và Phụ Dực.
Ngày 4 tháng 2 năm 1895, Kinh lược sứ Bắc Kỳ ra quyết định sáp nhập các làng Kỳ Bổ, Bồ Xuyên vào phủ lỵ Kiến Xương để lập thị xã Thái Bình.
Gọi là thị xã song thực ra chỉ có hai con đường trục của làng Bồ Xuyên và Kỳ Bá. Một con đường từ phủ đường qua cầu Kiến Xương (cách nhà Bảo tàng 200m) đi huyện Trực Định. Đường trục làng Bồ Xuyên và Kỳ Bá đều có đoạn dài xấp xỉ 1 km nhưng ngoằn nghèo.
Ngày 20 tháng 1 năm 1906, phủ Thống sứ ra Nghị định hoạch định chu vi thị xã.
Ngày 26 tháng 10 năm 1932, ra nghị định về kế hoạch điều chỉnh ba con đường cho thẳng hàng:
- Phố phía Bắc gọi là Đệ Nhất, tên Tây là Duynpicque, vì qua cửa đền Mẫu nên còn gọi là phố Đền Mẫu (nay là phố Lê Lợi).
- Phố phía Nam gọi là Đệ Nhị, tên Tây là Armand Rousseau, vì có nhà Vọng Cung (nơi quan lại Nam triều tế lễ vào các ngày sóc vọng) nên còn gọi phố Vọng Cung.
- Phố phía Đông cắt từ đền Trần Lãm cũ (sau là dinh Công sứ - nay thuộc khu vực Tỉnh ủy). Chỉ từ đấy ra đến bờ mương, đài độ 300m gọi là phố Đệ Tam, tên Tây là De Miribel, vì cạnh sông bán nhiều tre nứa còn gọi là phố Giá Nứa.
- Phố Đệ Nhất và Đệ Tam dài 1,2 km khi gặp nhau ở An Tập, tụ điểm vài tiệm cô đầu. Cạnh bờ sông có toà Công sứ và dinh Tổng đốc xây kiểu Tây, 2 tầng; 1 trường tiểu học; 1 nhà thương (bệnh viện) nhỏ; 1 nhà dây thép (bưu điện)...Dân toàn thành phố có trên 3.000 người, song ở phố chỉ độ 1.600 khẩu, 80% dân vẫn ở trong làng. Người Tây lúc đông có gần 50 khẩu, người Hoa có 25 hộ. Người Tây thì ăn lương, người Hoa bốc thuốc, buôn bán vặt và mở tiệm ăn. Diện mạo thị xã như một thị trấn nhỏ ngày nay, nhưng tiều tuỵ không có nhiều nhà cao cửa rộng.
“Số 152.Nghị định về việc thành lập tỉnh mới lấy tên là Thái Bình năm 1890” là tài liệu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử to lớn, là bước ngoặt trong tiến trình lịch sử Thái Bình. Đồng thời cũng khẳng định vùng đất này đã phát triển và trở thành một đơn vị hành chính trực thuộc chính quyền Trung ương, sánh ngang với các tỉnh trong cả nước.
Để tra cứu tài liệu lưu trữ khác, kính mời quý độc giả truy cập trang web http://luutru.thaibinh.gov.vn và khai thác tài liệu tại Chi cục Văn thư - Lưu trữ Thái Bình, số 9a Trần Hưng Đạo, thành phố Thái Bình.